Nghệ thuật Pansori và một số tác phẩm tiêu biểu
Trước tiên tôi xin giải thích một số thuật ngữ có trong bài viết để người đọc có thể dễ dàng hiểu được.
Sorikkun (소리꾼) : người hát chính, ca nương trực tiếp biểu diễn Pansori
Gosu (고수) : người đánh trống
Madang (마당) : các chương trong câu chuyện
Aniris (아니리) : lời dẫn truyện
Chuimsae (추임새) : tiếng hô của người đánh trống để bắt nhịp cho người hát
Theo như bài viết của Hoàng Lan (diễn đàn Hàn Quốc học), Pansori là một loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Đó là một buổi biểu diễn hát và gõ trống, được thực hiện bởi một ca nương và một nhạc công gõ trống. Từ "Pansori" được ghép từ "pan" (có nghĩa là nơi tụ họp của nhiều người) và sori (nghĩa là âm thanh). Từ đó tôi có thể đưa ra khái niệm Pansori là một hình thức hát kể, dựa vào những câu chuyện, cốt truyện kết hợp với âm nhạc và tiếng gõ trống cùng với những cử chỉ động tác của người hát chính để tạo nên một bài hát. Pansori thường kể về những câu chuyện châm biếm hay những câu chuyện tình yêu.
Nhìn từ góc độ của những người trực tiếp tham gia biểu diễn thì Pansori chỉ bao gồm 2 yếu tố đó là người hát chính và người đánh trống.Người ta có thể biểu diễn Pansori ở bất cứ đâu khi chỉ có người hát và người đánh trống.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ của một vở Pansori hoàn chỉnh thì Pansori gồm có các yếu tố như cốt truyện, giọng hát, những động tác biểu diễn của người ca nương (hay còn gọi là người kể chuyện), và cả những tiếng hô bắt nhịp của người đánh trống. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho vở Pansori.
Xét về cách thức biểu diễn, trong một màn biểu diễn Pansori, ca nươngsẽ đứng hát với một cây quạt được xếp lại cầm trong một bàn tay. Cây quạt sẽ được vẫy lên khi muốn nhấn mạnh những chuyển động của người hát và sẽ được xòe ra khi muốn thông báo sẽ chuyển cảnh. Người chơi trống tay phải cầm dùi trống và đánh trống bằng bàn tay trái. Cùng với đó,người đánh trống còn tạo ra nhịp điệu bằng những lời bắt nhịp. Khán giả cũng sẽ tham gia tạo ra những tiếng bắt nhịp trong quá trình biểu diễn, tương tự như tiếngkakegoe trong kịch Nhật Bản hay tiếng “Ole” trong các buổi biểu diễn Flamenco.
Những ghi chép về Pansori lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1754, tức là vào năm thứ 30 đời vua Yeong Jo. Vở Pansori đầu tiên là Chun Hyang Ga được viết bằng Hán tự bởi tác giả Yoo Jin Han. Nhưng ở trong ghi chép cũng có nói về Kwang Dae Nori (광대놀이- là một thể loại tương tự Pansori) nên người ta dự đoán rằng Pansori đã có từ trước đó rất lâu rồi. So với Kwang Dae Nori thì Pansori được yêu thích hơn rất nhiều, mặc dù ra đời từ tầng lớp bình dân nhưng nó được lan tỏa rộng rãi đến cả tầng lớp thượng lưu.
Sau đó có tác phẩm của Song Man Jae ra đời lần đầu tiên với 12 vở. Đến cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX Pansori được phát triển với các tên tuổi như Woo Choon Dae, Ha Eun Dam, Choi Seon Dal và từ đó Pansori đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật độc lập với 12 vở.
Đến thế kỉ XIX là thời kì đỉnh cao nhất với các tên tuổi như Kwon Sam Deuk, Song Heung Reok, Go Su Kwon và Park Yoo Jeon. Thời đại này chia ra làm hai loại hình Pansori là Dong Pyun Je (동편제) và So Pyun Je (서편제). Dong Pyun Je có ở các tỉnh phía Đông Hàn như Un Bong, Nam Won, Gu Re, với âm điệu mạnh mẽ, hùng tráng và các âm bổng nên Dong Pyun Je mang chất “nam tính”. Còn So Pyun Je có ở các tỉnh Tây Hàn như Kwang Ju, Na Ju, Bo Seong, với âm điệu nhẹ nhàng, những câu hát được kéo dài ra nên nó mang chất “nữ tính” hơn.
Cuối thời kì Go Jeong, có 5 nghệ sĩ nổi tiếng là Song Man Gap, Lee Dong Paek, Kim Chang Hwan, Kim Chang Ryong và Jeong Joeng Ryul hoạt động. Nhưng do những biến động xã hội ở thời kì này nên Pansori bị suy thoái và trở thành kĩ nhạc. Bởi việc luyện tập để biểu diễn pansori khá mệt mỏi và tự bản thân mỗi buổi biểu diễn cũng như vậy, vì thế càng ngày càng có ít người quan tâm đến loại hình văn hóa này
Tuy nhiên, đến năm 1964 Pansori được xác định là di sản văn hóa phi vật thể số 5 của Hàn Quốc. Những tiết mục Pansori được biểu diễn thường xuyên ở Hàn Quốc và tại các lễ hội ở nước ngoài nhằm phát huy và giới thiệu với công chúng những đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Có 12 tác phẩm pansori tiêu biểu, đó là Chun Hyang Ga (춘향가), Sim Cheong Ga (심청가), Heung Buga (흥부가), Jeok Byuk Ga (적벽가), Su Gung Ga (수궁가), Bye Bi Jang Ta Ryung (배비장타령), Byun Gang Soi Ta Ryung (변강쇠타령), Jang Kki Ta Ryung (장끼타령), Ung Go Jip Ta Ryung (옹고집타령), Gang Nung Mye Hwa Ta Ryung(강릉매화타령), Mu Soo Ki Ta Ryung(무숙이타령) và Ga Jja Sin Seon Ta Ryung(가짜신선탸령), nhưng những câu chuyện không có tính hiện thực thì dần dần đều bị biến mất. Cho đến ngày nay chỉ còn lại 5 tác phẩm đó là Chun Hyang Ga, Sim Cheong Ga, Su Gung Ga, Heung Bu Ga và Joek Buyk Ga, 5 tác phẩm này đề cao những giá trị đạo đức như sự trung thành, hiếu thảo, lòng thủy chung, đạo lý làm người,…
No comments:
Post a Comment